Báo Diễn đàn Doanh nghiệp có bài viết: Doanh nhân Phạm Thành Long và những trải nghiệm cuộc sống “xin ăn”

Với ý tưởng khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của Việt Nam và sử dụng công nghệ để quản lý công việc điều hành doanh nghiệp của mình, Luật sư Phạm Thành Long – Giám đốc Công ty Luật gia Phạm đã tiến hành cuộc đi bộ xuyên Việt trong 33 ngày.

Doanh nhân Phạm Thành Long chia sẻ niềm vui, những điều học được sau chuyến xuyên Việt lần 2

 

Chiều 26/8, anh Phạm Thành Long đã kết thúc chuyến đi bộ xuyên Việt từ Nam ra Bắc dài gần 1900 km, qua 20 tỉnh thành dọc đất nước tại Hà Nội
Ý tưởng thực hiện chuyến đi bộ xuyên Việt được anh Long ấp ủ từ năm 2009, ngay sau chuyến đap xe xuyên Việt nhằm giảm cân của mình. Cảm thấy công việc này quá dễ với mình, anh quyết định phải thử thách cho một công việc khó hơn. Anh bắt đầu nghĩ đến hành trình đi bộ xuyên Việt, thậm chí đã đăng ký sẵn tên miền một website để phục vụ ý tưởng này. Ý định không thực hiện được do vợ anh hai lần có bầu và sinh con. Dù vậy, anh vẫn chuẩn bị bằng việc tập luyện tại các phòng tập và tranh thủ các chuyến đi công tác nước ngoài mua một số đồ phục vụ cho chuyến bộ hành tương lai. Anh quyết định chọn TP HCM làm điểm khởi đầu chuyến đi. Tối 19/7, anh Phạm Thành Long bay từ Hà Nội vào TP HCM để 4h30 sáng hôm sau có mặt ở ngã tư Hàng Xanh bắt đầu ngược ra Hà Nội.
Với tâm niệm “Sống để yêu thương và yêu thương để sống”, trong hành trình lần này, anh hạm Thành Long chỉ mang theo 686 nghìn đồng với ý định sẽ sống dựa vào người dân và bạn bè dọc đường để tìm cho mình những trải nghiệm mới.
Mọi sinh hoạt trong chuyến đi kéo dài 33 ngày của anh Long chỉ được gói gọn trong một chiếc balô hơn 12 kg bao gồm: áo phản quang, đèn pin, quần áo, mũ nón, thuốc men. Những vật dụng anh được bạn bè dành tặng trước khi lên đường.
Để chuẩn bị cho chuyến đi nghìn dặm, Phạm Thành Long đã thực hiện một chế độ rèn luyện rất nghiêm ngặt trước 2 tháng. Cứ mỗi chủ nhật, chạy bộ khoảng 30 km. Sáng thứ  3 hàng tuần, theo thông lệ là dậy sớm từ  4 giờ sáng để tập chạy. Trung bình 1 tuần, anh chạy bộ được khoảng gần 50km. Nhờ sự kiên trì, tính kỷ luật trong rèn luyện, trong suốt toàn bộ chuyến đi. Mỗi ngày anh Long đi trung bình khoảng 60-80km, tốc độ di chuyển trên đường đồng bằng khoảng 5-6 km/h, còn đường rừng núi thì khoảng 4 km/h, nên có hôm để đi được 80km phải đi hết 20 tiếng. Từ sáng sớm đến đêm, ngày nào cũng ròng rã như vậy. Phần lớn hoạt động ăn uống diễn ra trên đường vì có những chặng dài 150 km không có điểm nào hỗ trợ. Ví dụ như địa điểm Đèo Cả. Đây là một đèo rất dài mà trên đèo không có một cửa hàng nào.

Trải qua bao gian nan, mệt nhọc, anh Long đã tìm cho mình những thành công, những người bạn mới dọc đường đi. Chàng luật sư bày tỏ, sự nhiệt tình giúp đỡ của dân địa phương trên những chặng đường qua khiến anh cảm nhận rõ hơn về lòng nhân ái của người Việt Nam. “Chỉ cần hỏi chuyện vài câu, mong muốn xin sự giúp đỡ là người Việt sẵn sàng giúp hết mình”. Anh hồ hởi chia sẻ về một bữa cơm nguội kèm bát nước mắm xin được lúc 2h chiều tại một ngôi làng dọc đường đi. Gia đình chủ nhà đã chạy khắp làng để xin đủ cơm cho đoàn xuyên Việt của anh. Phạm Thành Long chia sẻ “Đó là kỉ niệm đẹp nhất về tình yêu thương của con người Việt Nam mà tôi không bao giờ quên”. Cũng chính vì những sự giúp đỡ này, sau chuyến đi, anh cũng chỉ tiêu hết hơn 100 nghìn đồng.

Anh Long không đơn độc trong cuộc hành trình của mình, ngoài 4 bạn trẻ theo anh đi bộ từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội. Suốt dọc đường đi, anh quen được rất nhiều người bạn mới. Nhiều người sau khi được anh chia sẻ về chuyến đi cũng như  những bài học kinh doanh đã sẵn sàng tham gia cùng anh ở những chặng nhất định. Người thân, đồng nghiệp của anh ở nhà cũng dõi theo, sẵn sàng trợ giúp anh khi anh cần.
Phạm Thành Long tâm niệm rằng sự khác biệt lớn nhất của con người với sinh vật đó chính là lòng yêu thương. Điều mà anh cố gắng theo đuổi trong suốt cuộc hành trình hơn một tháng này chính là kết nối yêu thương, chia sẻ cuộc sống với tất cả mọi người, đánh thức những giấc mơ đã bị lãng quên, lòng nhiệt huyết và cảm hứng bị ngủ vùi. Anh mong muốn chia sẻ tác động tích cực của rèn luyện sức khoẻ, chia sẻ những niềm vui và sự trân trọng lớn lao đối với những gì cuộc sống đã ban tặng. Anh chia sẻ, trên hành trình đi bộ từ Nam ra Bắc, những bữa ăn của anh không tính theo kiểu ngày 3 bữa như trước mà là xin được gì ăn nấy . Chính cách sống “ăn xin” này đã giúp anh trải nghiệm, hiểu cuộc sống, tình cảm của người dân Việt dọc đất nước và thấy được tiềm năng của con người là rất to lớn.

Mặc dù là một doanh nhân điều hành một công ty Luật lớn và nhiều dự án kinh doanh nhưng luật sư  Phạm Thành Long luôn biết sắp xếp công việc một cách khoa học nhất. Bí kíp của anh đó là làm cho quy  trình kinh doanh thật đơn giản hóa, sau đó truyền đạt lại cho những người cấp dưới làm. Chỉ khi có việc thực sự cần kíp thì anh mới tham gia vào. Hoạt động điều hành công việc của các đội, nhóm kinh doanh trong chuyến đi được anh thực hiện thông qua điện thoại kết nối internet. Anh tâm sự: “mọi người có thể làm mọi việc thay ta trừ việc thể dục. Chính vì vậy, tôi quyết tâm thực hiện điều này cho bản thân”. Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, doanh nhân 2 lần đạt giải Sao Vàng đất Việt Phạm Thành Long quả quyết, anh thực hiện chuyến đi này cũng muốn chứng minh với những người bạn doanh nhân của mình rằng anh không cần mất nhiều thời gian ở phòng làm việc mà doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt. “Nếu bạn là một doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hãy lập trình để doanh nghiệp hoạt động một cách tự động nhất, còn nếu bạn tiếp tục tham gia sâu vào công việc điều hành thì bạn chính là vật cản trở sự vận hành của doanh nghiệp đó. Hãy dành thời gian riêng cho mình, cho gia đình”. 

Dự định vào tháng 10 tới,  Phạm Thành Long sẽ tiếp tục những dự án chia sẻ mới trong những khóa học Giải mã thành công, trong đó chú trọng vào 5 yếu tố: cảm xúc, thân thể, mối quan hệ, tiền bạc và thời gian. Làm thế nào để phát triển nguồn lực này và sử dụng chúng một cách hiệu quả? Anh sẽ chia sẻ cho mọi người những điều mình thu lượm được trong toàn bộ chuyến đi.
Anh cũng đang khẩn trương học điều khiển dù bay và xin giấy phép để sau 5 năm nữa anh có thể thực hiện chuyến xuyên Việt lần thứ ba bằng loại phương tiện mới mẻ này ở Việt Nam.
Nguồn: http://dddn.com.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *