Hoclamgiau.vn: Gặp doanh nhân Phạm Thành Long – Nhân vật nổi tiếng và gắn bó với Học Làm Giàu, vào những ngày giữa tháng 7 này là lúc anh đang chuẩn bị cho hành trình đi bộ xuyên Việt trong vài ngày sắp tới.
Với tư duy “Muốn có kết quả khác đi, bạn phải khác đi”, anh Phạm Thành Long – Giám đốc Công ty Luật Gia Phạm luôn làm những điều khác biệt bằng nguồn năng lượng dồi dào được đánh thức từ bên trong. Vì vậy mà cách đây gần 2 tháng, anh đã ra một quyết định không mấy ai dám làm là đi bộ xuyên Việt trong vòng 27 ngày. Chuyến hành trình này sẽ bắt đầu vào ngày 20-7 từ TP.HCM ra Hà Nội với chặng đường dự kiến là 1.868 km.
Nghe tin về một doanh nhân nổi tiếng có một quyết định có vẻ “điên rồ”, chắc hẳn nhiều người sẽ rất tò mò về quyết định này của anh. Anh đã bật mí những điều thú vị trước chuyến hành trình đi bộ xuyên Việt trong phỏng vấn sau đây.
– Được biết, trước đây anh đã thực hiện chuyến đi xe đạp xuyên Việt rồi, lí do nào khiến năm 2014 này anh lại quyết định làm cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt?
Ngay sau khi hoàn thành chuyến đi xe đạp xuyên việt trong vòng 19 ngày (năm 2009), gồm 13 chặng, 6 chặng nghỉ, tôi cảm thấy việc đi xe đạp trở nên quá dễ với mình. Chuyến đi xe đạp đấy là do lúc đó tôi nặng 86 kg nên mua một cái xe đạp để giảm cân, đi xe đạp từ TP.HCM ra Hà Nội thì giảm được cân thật. Nhưng sau khi đạp xong thì lại tăng cân. Lúc đầu đạp xe xuyên Việt rất vất vả do không có kinh nghiệm nhưng đến những ngày cuối cùng của cuộc hành trình thì việc đạp xe trở nên đơn giản và vui vẻ nên tôi quyết định phải thử thách cho một công việc khó hơn.
Năm 2009, tôi có nghĩ đến việc đi bộ xuyên Việt nên có đăng ký tên miền diboxuyenviet.com. Sau đó, tôi nung nấu rằng lúc nào đó sẽ phải đi bộ xuyên Việt. Lúc đầu ý định đi bộ xuyên Việt nó chỉ nhen nhóm xong lại bị tắt đi, mấy lần như vậy. Khi tôi chuẩn bị quyết định đi thì vợ có bầu em bé thứ 4, nên nghĩ lại để sau em bé thứ 4. Sau khi có em bé thứ 4 xong rồi, vợ tôi lại có bầu em bé thứ 5 nên lùi lại tiếp. Sau khi em bé thứ 5 ra đời thì tôi quyết tâm là sẽ phải đi bộ. Tôi bắt đầu bằng việc tập luyện một vài chặng nhỏ tại phòng tập và đi nước ngoài thì mua gom một số đồ.
Cách đây khoảng gần 2 tháng, quyết tâm đi bộ trở nên rõ ràng hơn khi tôi đọc được một câu nói rằng: “Điều quan trọng nhất mà bạn phải làm là quyết định đi và phần khó nhất sẽ trôi qua”. Ba lô tôi đã mua năm 2012 tại Malaysia, còn quần áo thì mỗi năm mua 1 cái quần, cái áo vì nó cũng khá đắt tiền, giày thì cũng mua thêm. Hành trình thì khá dài nhưng thời điểm quyết định đi là sau khi nhìn thấy câu nói trên tại Singapore.
Anh Phạm Thành Long giữ kỷ luật tập luyện đều đặn trước chuyến đi
– Chuyến đi bộ xuyên Việt lần này của anh sẽ diễn ra trong bao lâu và tính trung bình anh sẽ phải đi bao nhiêu km?
Mục tiêu ban đầu là đi 36 ngày nhưng do vướng chương trình của Nha Trang mất 5 ngày cuối tháng 8, thành ra chương trình sẽ rút xuống còn 29 ngày và có 2 ngày nghỉ ở Mũi Né nữa nên hành trình thực sự còn 27 ngày. Lúc đầu định 36 ngày thì mỗi ngày đi khoảng 50 km, nhưng bây giờ rút xuống còn 27 ngày, thì trung bình mỗi ngày sẽ đi khoảng 60-80km. Với tốc độ di chuyển đường đồng bằng thì tầm 5-6 km/h, còn đường rừng núi thì khoảng 4 km/h, nên 80km thì có ngày sẽ phải đi 20 giờ. Nói chung là sẽ đi từ sáng sớm đến đêm, ngày nào cũng sẽ ròng rã như vậy.
Vì thế phần lớn hoạt động ăn uống sẽ diễn ra trên đường vì có những chặng dài 150 km không có điểm nào hỗ trợ, thứ hai là có địa điểm như Đèo Cả là một đèo rất dài mà trên đèo không có một cửa hàng nào cả (Đèo cả là đèo dài thứ 3 Việt Nam, dài khoảng 28 km).
– Để thực hiện cuộc hành trình đi bộ gần 2000 km trong tháng 7 này, anh đã phải chuẩn bị những việc gì và thời gian chuẩn bị là bao nhiêu lâu kể từ khi ra quyết định?
Công tác chuẩn bị thì cứ mỗi chủ nhật, tôi chạy bộ khoảng 30 km. Sáng thứ 3 hàng tuần, theo thông lệ là dậy sớm từ 4 giờ sáng để tập chạy và giữ kỷ luật này trong vòng 2 tháng qua. Tính trung bình 1 tuần, tôi chạy bộ được khoảng gần 50km, tương ứng với cự ly khoảng hơn 1 nửa ngày đường đi bộ.
Ngoài ra còn chuẩn bị trang phục và các đồ dùng gọn nhẹ để cho giảm trọng lượng xuống. Thứ hai là vì tôi mang máy ảnh chuyên nghiệp có trọng lượng khá lớn nên tổng trọng lượng cũng không nhỏ. Lần trước đi xe đạp mang 20 kg trên người cũng khá là vất vả, lần này đi bộ nó vào khoảng 12 kg.
Ngày xưa phải vất vả vì mang máy tính và cục Internet rất lớn nhưng bây giờ nhờ thiết bị điện thoại di động thì nó có tất cả trong một rồi. Tổng cộng có khoảng 21 món đồ khác nhau.
Các món đồ anh Phạm Thành Long sẽ mang đi theo cuộc hành trình đi bộ xuyên Việt
– Anh có lường trước một số yếu tố rủi ro như mưa gió hay bão hay bị cảm, bị ốm như thế nào?
Chuyện rủi ro, đương nhiên là phải có nhưng nếu cứ ngồi nghĩ đến rủi ro thì chúng ta sẽ không bao giờ thực hiện được cuộc hành trình. Tôi chỉ quan tâm đến kết quả mình sẽ đạt được là sự hạnh phúc khi hoàn thành thử thách, còn rủi ro trên đường chắc chắn sẽ gặp phải nhưng nó đều sẽ có cách giải quyết.
Về đồ dùng thì các túi đựng toàn bộ là chịu nước. Còn nếu gặp mưa thì tôi phải khoác áo mưa và nếu mà mưa thì không có chỗ ngủ, không thể ngủ được thì cứ tiếp tục đi.
– Chỉ còn mấy ngày nữa là anh sẽ vào vạch xuất phát của cuộc hành trình, vậy thì thời gian đi bộ đó, anh sẽ điều hành công ty Luật Gia Phạm như thế nào?
Trong khóa học “Trại đại bàng” (công ty Luật Gia Phạm và Học Làm Giàu phối hợp tổ chức) là khóa huấn luyện rất đặc biệt dành cho doanh nhân, có một phần huấn luyện cho các doanh nhân là “Làm việc trên chứ không phải làm việc trong” tức là mọi người nghĩ hầu hết doanh nhân lập công ty ra là làm việc trong nó, trói mình vào công ty của mình. Khi tôi phát hiện ra điều này thì tôi làm việc theo cách hoàn toàn khác, đấy là làm việc thông minh.
Với sự hỗ trợ của công nghệ thì thế giới trở thành “thế giới phẳng” nên ngồi bất kỳ đâu mình có thể làm việc được. Cùng với sự hỗ trợ của đội nhóm kinh doanh, sự ủng hộ của các thành viên trong công ty thì hoàn toàn tôi vẫn có thể thoát ra ngoài và làm việc hiệu quả, có nghĩa là vẫn làm việc chứ không phải là không làm việc. Điều quan trọng nhất là hầu hết mọi người đều cho rằng mình rất bận, tôi muốn chứng minh ngược lại là những người rất bận họ không làm gì cả, công việc kinh doanh của họ vẫn phát triển. Kể cả việc bán hàng và trong suốt hành trình đấy, tôi cũng không thể dừng lại vì mọi thứ đã được lên hệ thống và chạy tự động.
– Nhiều người cho rằng, anh vốn rất bận rộn rồi, sao phải lãng phí thời gian cho việc đi bộ mấy nghìn cây số một cách điên rồ như vậy? Anh nói gì về điều này?
Tôi hiểu rằng “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, cách đi và sống cùng nhân dân như vậy thì tôi sẽ học được rất nhiều điều trong hành trình đấy, từ những người dân của mình và những người bạn đường của mình, sẽ học được thêm nhiều thứ.
Năm 2009, sau khi đạp xe xuyên Việt trở về, tôi có rất nhiều sự thay đổi lớn trong mọi mặt của cuộc sống. Nên tôi nghĩ sự tích lũy trong 5 năm vừa qua đủ cho mình có một bước đột phá mới trong cuộc đời. Việc thực hiện chuyến hành trình này có lẽ là để có những bước đột phá khác, tôi sẽ học được nhiều điều và có nhiều nguồn năng lượng mới. Điều quan trọng hơn là: Mình chứng tỏ cho bản thân mình thấy rằng nguồn năng lượng bên trong con người là rất khổng lồ nhưng chúng ta không dùng nó mà thôi. Và tôi có thể dùng nó trong gần 30 ngày để làm được ngoài mục đích sống, học hỏi, kết nối với người dân. Hơn nữa, nó có thể cho thấy sức mạnh của bản thân trong những việc về sau này, khi quay trở lại với công việc thì không có khó khăn nào có thể cản trở nữa.
Phương châm sống của tôi là: “Sống để yêu thương và yêu thương để sống”. Trong hành trình lần này, tiền bạc sẽ không mang đi nhiều mà chủ yếu là xin ăn, xin ngủ, thậm chí có thể xin tiền của mọi người, số tiền mỗi người có thể nhỏ thôi. Lần này, tôi chỉ mang theo 680.000 đồng và sẽ thực hiện cách sống nương tựa vào lòng dân và sự hỗ trợ của các bạn bè. Đây là một hành trình không mang theo nhiều tiền mà vẫn có thể sống được để minh chứng cho một phong cách sống mới là “những người giàu mới” (The new rich), không cần tiền nhưng vẫn là người giàu.
– Anh nói có rất nhiều thay đổi sau chuyến đi xe đạp xuyên Việt, anh có thể chia kỹ hơn về điều đó?
Đó là sự học hỏi, trước đây mình nghĩ là mình biết rất nhiều thứ. Sau chuyến đi đấy, tôi ngộ ra một điều rằng: Thế giới quả là rộng lớn và nhiều điều đáng phải học, lúc đó tôi không còn nghĩ mình là một doanh nhân Sao Vàng Đất Việt nữa. Và tôi bắt đầu đi học và khi đi học thì một thế giới mới mở ra: về tiền, hàng triệu đô la được kiếm sau đấy nhờ việc đi học và hạnh phúc cũng đến với mình nhanh chóng bởi vì đi học về hạnh phúc, sức khỏe cũng đến nhanh chóng vì mình đi học về sức khỏe. Tất cả những điều mình học được sau hành trình đạp xe đó là “Phải đi học” và sau đó cần cái gì thì tôi đi học cái đó.
– Chuyến đi bộ xuyên Việt này, anh dự kiến dừng chân tại bao nhiêu điểm? Các hoạt động gì sẽ diễn ra ở các điểm dừng chân đó?
Hành trình dự kiến sẽ diễn ra trong 27 chặng khác nhau, ở 27 địa điểm khác nhau, có điểm dừng chân sẽ là ban ngày, ở đó sẽ sống cùng các nhà dân và tìm hiểu cuộc sống của họ. Và “sống để yêu thương” là một chương trình nên trên hành trình đó, tôi thấy có hoàn cảnh nào cần giúp đỡ thì tôi rất sẵn sàng, đúng với công thức tài chính của mình là cho đi, giúp đỡ người khác. Nhưng đó không phải là mục đích chính, vì hàng ngày tôi vẫn làm việc đó rồi, cho nên trong hành trình này, tôi vẫn thực hiện nó bình thường. Mục đích chính là đến các gia đình, ăn ở cùng họ và tìm hiểu các hoạt động sống của họ.
– Sẽ có nhiều người nghi ngờ anh về chuyến đi này, họ bảo rằng: Ông này đi bộ chắc chỉ đi 1 tí thôi, chắc sau đó lại vẫy xe chẳng hạn để đi cho nó xong. Anh giải tỏa nghi ngờ này như thế nào?
Tôi có các thiết bị GPS sẽ lock lại toàn bộ hành trình để cho bản thân mình biết ngày hôm đó đi tốt hay không và thông tin đó sẽ được chia sẻ hàng ngày trên web diboxuyenviet.com, ngày hôm đó có bao nhiêu km được thực hiện. Thứ hai nữa là tôi đã tìm được 1 phần mềm chia sẻ tọa độ chính xác trên bản đồ web của diboxuyenviet.com để mọi người có thể nhìn thấy xem chính xác nó nằm ở đâu. Khi di chuyển thì nó sẽ online và biết tôi đang ở đâu. Đây cũng là một cái rất văn minh của thời đại công nghệ hiện nay.
– Muốn làm được điều khác thường thì động lực phải rất lớn. Để thực hiện thành công cuộc hành trình đi bộ lần này, động lực lớn nhất của anh là gì?
Thực ra đấy là cái mong muốn mà tôi mong muốn từ lâu rồi nên động lực lớn nhất đó là kích hoạt lại nguồn năng lượng của bản thân để minh chứng cho một điều rằng: Nguồn năng lượng của con người là vĩ đại và chúng ta đều có thể kích hoạt được nó lên. Trong chuyến hành trình này, nó minh chứng cho một điều là: Bản thân mỗi người đều rất mạnh mẽ, có thể làm được mọi điều và có những điều mà hầu hết mọi người cho rằng khó khăn.
– Anh muốn chia sẻ điều tâm huyết gì trước chuyến đi với mọi người?
Để mong muốn chuyến đi này thành công, rất cần sự động viên, cổ vũ của mọi người, nó sẽ làm cho chuyến đi trở nên thú vị hơn.
Phạm Thành Long
|
– Luật sư Phạm Thành Long sinh năm 1976.
– Nhiều năm làm kinh doanh, anh đã trở thành một trong những Luật sư hàng đầu, 2 lần nhận giải thưởng “Luật sư của năm”.
– Đưa hãng Luật Gia Phạm trở thành hãng Luật duy nhất hai lần giải thưởng Sao Vàng, được công nhận là hãng Luật nổi tiếng nhất Việt Nam.
– Đưa Chapter BNI Warrior, một Câu Lạc Bộ Doanh nhân vượt trên gần 6000 CLB khác trên toàn thế giới để trở thành Chapter Bạch Kim.
– Trở thành vận động viên đua xe đạp đường trường; Hoàn thành cự ly 3 môn phối hợp trong 14 giờ (3,8km bơi, 41,2km chạy bộ, 180km xe đạp); Hoàn thành đạp xe xuyên Việt mà không có xe hỗ trợ.
– Thường xuyên xuất hiện trên các chương trình truyền hình và phát thanh về tư vấn pháp luật.
– Có hơn 34.000 khách hàng trong lĩnh vực kinh doanh và sở hữu trí tuệ.
– Giảng viên Luật được yêu thích.
– Diễn giả truyền cảm hứng mạnh mẽ
|
10h25′ | 17/07/2014
Nguồn : www.hoclamgiau.vn
tuyệt vời
Chúc anh gặp nhiều may mắn trong suốt hành trình!